CÁCH “HỎI THĂM” KỲ LẠ

Ngày 10 11/2017, lúc 08.18 trong khi tôi đang ăn sáng thì tôi nhận được cuộc gọi điện thoại của một cán bộ an ninh X (AN) phụ trách phường tôi đang sống. Sau khi hỏi thăm vài câu thì cậu an ninh hỏi tôi dạo này làm gì và làm ở đâu. Tôi cũng chân tình trả lời cậu ấy.

Khoảng 1 giờ đồng hồ sau thì tôi nhận được điện thoại của người thân báo sáng nay một cán bộ công an khu vực (CAKV) là anh Y hỏi người nhà tôi rằng hiện nay tôi đang làm gì, làm ở đâu, đi mấy giờ, về mấy giờ? Thấy CAKV hỏi cặn kẽ như vậy, nên người nhà tôi có chút lo lắng và vội hỏi tôi có làm gì không mà công an “hỏi thăm” tôi như vậy?

Trong cùng một buổi sáng cách nhau 1 giờ mà có đến 2 công an muốn hỏi thông tin cá nhân của tôi trong khi bình thường tôi không giao du gì với 2 người này ngoài việc liên quan đến chuyện tôi tập luyện Pháp Luân Công. Tôi nhận thấy đây là việc không bình thường nên đã gọi điện cho anh CAKV Y hỏi rằng hỏi thông tin về tôi có việc gì không? Anh ta bảo rằng lâu rồi nên hỏi thăm thôi. Tôi mới bảo: “Tôi và anh không quen biết nhau sao hỏi thăm làm gì, có phải các anh có chiến dịch gì nhắm vào tụi tui ( người tập Pháp Luân Công) không?” Anh ta vội vàng phủ nhận là không có gì chỉ hỏi thăm thôi. Tôi bảo rằng nếu cần gì sau này anh Y cần gì cứ liên lạc trực tiếp với tôi chứ hỏi qua người nhà tôi làm gì.

Sau đó, tôi cũng tự hỏi, tôi và anh CAKV Y không quen biết nhau nhưng sao anh Y lại hỏi tôi kiểu như điều tra chi tiết tôi đang làm gì, đi làm mấy giờ, về nhà mấy giờ. Và đây không phải là lần đầu tiên tôi bị điều tra thông tin cá nhân theo cách thức không đường đường chính chính này. Có chăng chỉ là các hình thức khác mà thôi.

QUÁ TRÌNH BỊ QUẤY NHIỄU

Lần đầu tiên tôi nhận được những yêu cầu bất thường đó là cách đây khoảng 5 năm. Tôi được người nhà báo là CAKV yêu cầu phải khai hồ sơ nhân khẩu. Trong tờ khai ấy yêu cầu cung cấp nhiều thông tin cá nhân. Đó là lần đầu tiên phường biết tôi tập Pháp Luân Công sau khi tôi trình báo với cơ quan công an phường và quận về việc một nhóm người giả danh học viên Pháp Luân Công vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến những người tập Pháp Luân Công như tôi và gây ảnh hưởng đến an ninh xã hội.

Đến lần thứ hai sau đó vài tháng tôi chuyển qua phường khác sống (hai phường khác nhau nhưng cùng một quận), tôi cũng bị yêu cầu khai hồ sơ nhân khẩu hay CAKV hỏi thông tin của tôi thông qua người nhà. Ban đầu tôi không để ý nhưng sau này tôi nhận thấy việc yêu cầu cung cấp thông tin (khai hồ sơ nhân khẩu) chỉ áp dụng riêng đối với tôi mà không yêu cầu người nhà tôi và bà con lối xóm. Và y như rằng hễ mỗi lần thay đổi CAKV hay an ninh quận phụ trách phường là các vị cán bộ mới này liền lập tức bố trí tiếp cận để cập nhật thông tin cá nhân của tôi. Không rõ họ nghe từ ai mà phải làm những việc có sự phân biệt đối xử và khó hiểu đối với tôi như vậy.

Tôi cũng không biết rằng hành động phân biệt đối xử như vậy có liên quan đến việc tôi tập luyện Pháp Luân Công không hay còn có lý do khác (!)

Lại nói về cậu an ninh Y trẻ tuổi mà tôi đã nhắc đến ở trên, lần đầu tôi gặp cậu ta là tại trụ sở công an phường. Đó là vào một buổi sáng tôi bị một cán bộ CAKV Z ( người tiền nhiệm của anh CAKV được nhắc bên trên) lừa tôi đến trụ sở công an phường. Ban đầu anh Z nói muốn gặp nói chuyện để tôi và anh hiểu nhau hơn liên quan đên việc tôi tập Pháp Luân Công. Tôi cũng muốn tạo điều kiện cho anh ta nên không cần qua thủ tục viết giấy mời. Nhưng thực chất anh ta đã chuẩn bị cho một buổi làm việc với 2 an ninh quận, một người tuổi trung niên và người còn lại là cậu an ninhY. Mới bước vào cậu Z này đã lấy giấy viết ra lập biên bản làm việc. Tôi bảo rằng sao anh bảo vào đây nói chuyện với anh giờ sao lại có thêm hai người tôi không quen biết là sao, lại còn ghi ghi chép chép thế kia. Không có lập biên gì cả. Nếu cần thì đề nghị Z viết giấy mời gửi cho tôi. Thế là cậu CAKV Z vội cất giấy viết.

Cuộc gặp miễn cưỡng được chủ trì bởi ông an ninh lớn tuổi. Ông này nói vòng qua vòng lại không liên quan việc gì đến việc gì. Tôi phải liên tục gạn hỏi mãi “ tóm lại mục đích của buổi gặp mặt ngày hôm nay là để làm gì” thì ông này mới cho biết là mục đích ông gặp tôi để thuyết phục tôi không được ký đơn cầu cứu gửi đi khắp nơi.

Tôi bảo anh có quyền gì mà không cho tôi làm thế. Sở dĩ phải gửi đơn đi cầu cứu đi nhiều nơi là thời điểm đó tôi và bạn bè tập Pháp Luân Công ngoài công viên thì liên tục bị những kẻ lạ mặt gây rối, vu khống làm phản động, bạn tôi: có người bị theo dõi, có người bị đe doạ, có người bị hành hung gây nguy hiểm tính mạng, thậm chí bị công an quận khác cấu kết với “côn đồ” đánh ngay tại trụ sở công an phường,… trong khi tôi và bạn bè trình báo công an thì không thấy ai bảo vệ chúng tôi. Trước bầu không khí khủng bố như vậy chúng tôi chỉ còn cách gửi đơn cầu cứu khắp nơi. Thế nhưng an ninh quận không những không làm gì để bảo vệ dân mà còn bảo dân không được gửi đơn cầu cứu? Nghe có bất thường quá hay không?

BỐI CẢNH VÀ THÔNG TIN

Nhân đây cũng xin nói rõ Nhà nước không cấm Pháp Luân Công và người dân được quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm ( lời của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu năm 2014). Và theo tôi được biết cũng trong năm này, Ban tôn giáo Chính phủ ban hành công văn 896 thừa nhận Pháp Luân Công là môn khí công rèn luyện sức khoẻ không phải là một tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng. Nội dung mà Ban tôn giáo Chính phủ phổ biến hoàn toàn nhất quán với phát biểu trước đó của đại diện Bộ Ngoại giao ông Lê Dũng trước báo giới nước ngoài vào năm 2009 khi được hỏi về quan điểm của Nhà nước Việt Nam đối với Pháp Luân Công. Cụ thể ông Lê Dũng khẳng định ở Việt Nam không có tổ chức nào là Pháp Luân Công còn các hoạt động rèn luyện sức khỏe được nhà nước bảo hộ trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc gia.

Ngoài ra, những vụ việc tôi và bạn bè bị vu khống, đe doạ, khủng bố, hành hung,…một cách có tổ chức bởi một “thế lực” bí ẩn nào đó đang hoạt động ngoài vòng pháp luật tại Việt Nam có tính chất và mức độ nguy hiểm tương tự như những vụ việc đã từng xảy ra tại các quốc gia khác. Do đó, tôi và bạn bè đã nhiều lần trình báo vụ việc với cơ quan an ninh và cảnh báo về sự tồn tại của tổ chức bí ẩn mà chúng tôi nghi ngờ là mạng lưới mật vụ Phòng 610 do Giang trạch Dân, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập để chuyên trách bức hại người tu luyện Pháp luân công khắp nơi trên thế giới.

Tổ chức này không hoạt động công khai mà ẩn mình “dưới danh nghĩa” cơ quan ngoại giao là Đại sứ quán, Lãnh sự quán để thông qua các cơ quan, ban ngành thậm chí cả chính phủ các quốc gia khác ngăn chặn những hoạt động hợp pháp của học viên Pháp luân công.

CẢM NGHĨ CỦA TÔI

Tôi chỉ đơn thuần mong muốn hàng tuần được đến công viên yên bình tập luyện khí công, thiền định với vạn bè sau một tuần làm việc vất vả. Nhưng dường như luôn có một thế lực nào đó theo dõi, ngăn cản việc tưởng chung như rất giản dị đó. Trong khi đó, việc tập Pháp Luân Công hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Nhà nước, phù hợp với luật pháp Việt Nam. Nên đến thời điểm này thì tôi hoàn toàn có cơ sở coi việc thu thập thông tin cá nhân của tôi là hành động phân biệt đối xử.
Và điều khiến tôi khó hiểu nhất là trong khi tôi và những bạn bè tập Pháp Luân Công liên tục công khai tố giác về hành vi xem thường luật pháp của một tổ chức bí ẩn hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam trong việc vu khống, đe doạ, khủng bố, hành hung chúng tôi,…thì cho đến nay không có có một phản hồi nào từ phía cơ quan an ninh, không có một cuộc điều tra nào, cũng không có một dấu hiệu nào cho thấy các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ người dân như chúng tôi và ngăn chặn các hành động phi pháp của tổ chức này. Ngược lại, một số cá nhân “dưới danh nghĩa” cán bộ công an an ninh lại thu thập thông tin cá nhân người tập Pháp Luân Công một cách có hệ thống. (Thu thập thông tin dưới hình thức ghi danh sách học viên PLC, yêu cầu khai hồ sơ nhân khẩu)

Việc gì cũng có giới hạn của nó và nếu một hành động tương tự như đã nói trên xảy ra với tôi trong tương lai thì buộc lòng tôi phải dùng công cụ luật pháp để bảo vệ bản thân như một phản ứng tự vệ chính đáng.

Do thời gian có hạn trên đây tôi chỉ nhắc đến những vụ việc nhưng chưa kể chi tiết. Khi nào có thời gian tôi sẽ dần dần kể tiếp từng sự việc một cách chi tiết hơn.

Tan Truong

One thought on “CÁCH “HỎI THĂM” KỲ LẠ

Leave a comment